Trong các thành công phải kể đến giáo dục đại học (GDĐH) của Singapore với sự chuyển mình ngoạn mục, vươn tầm đẳng cấp thế giới, có thành tựu rực rỡ.
Đại học Quốc gia Singapore là đại học châu Á đầu tiên lọt vào top 10 Bảng xếp hạng QS 2024 với vị trí thứ 8; Đại học Công nghệ Nam Dương xếp thứ 26. Giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng được thừa nhận rộng rãi là chìa khóa giúp Singapore nhanh chóng hóa rồng.
Giáo dục là “quốc sách hàng đầu”
Sau khi trở thành quốc gia độc lập năm 1965, lãnh đạo Singapore xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu và là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Lý do là Singapore chẳng có tài nguyên đào lên để bán, không có đất trồng lúa để có cái ăn, ngay cả nước ngọt cũng không có đủ để dùng, chỉ con người là có sẵn nhưng già nửa mù chữ, đa sắc tộc phức tạp, thiếu công ăn việc làm.
Ông Lý Quang Diệu xác định phát triển con người thông qua giáo dục là chìa khoá để Singapore thoát nghèo và phát triển thịnh vượng. Xây dựng nền giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế được Singapore kiên trì theo đuổi ngay từ khi lập quốc với sự ưu tiên về đầu tư, cơ chế chính sách.
Kể từ những năm của thập kỷ 60 của thế kỷ trước đến nay chi cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học, của Singapore liên tục gia tăng, từ 61.403.000 SGD năm 1960 lên 13 tỷ 247 nghìn SGD năm 2022. Trong số đó chi cho giáo dục đại học tăng từ 5.816.000 SGD năm 1960 lên 4 tỷ 286 nghìn năm 2022; chi cho giáo dục đại học chiếm hơn 32% trên tổng số chi cho giáo dục năm 2022.
Tổng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) năm 2020 là 10 tỷ 397 nghìn SGD, trong đó của khu vực tư nhân là 6 tỷ 595 nghìn SGD, chiếm hơn 63%.
Đẩy mạnh quốc tế hóa, kết nối trí tuệ toàn cầu
Singapore ý thức rất rõ ràng rằng giáo dục đại học (GDĐH) cần được quốc tế hóa mạnh mẽ để bắt nhịp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Ngay khi nhậm chức Thủ tướng Lý Quang Diệu yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục cam kết “nếu anh thực hiện được như thế thì anh hãy nhận làm bộ trưởng”.
Đầu những năm 1960 Chính phủ dồn lực cho Đại học Singapore (sau này là Đại học Quốc gia Singapore) để đào tạo nguồn nhân lực đa ngành có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội; năm 1985 dồn lực xây dựng Đại học Công nghệ Nam Dương để đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật, giúp chiếm ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn.
Từ năm 2000 Singapore tập trung cho Đại học Quản trị SMU để đào tạo các nhà quản trị tài năng. Gần đây, Singapore tập trung xây dựng Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore thành lập năm 2015 nhằm thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, nuôi dưỡng và phát triển các nhà sáng tạo, các nhà lãnh đạo kỹ thuật để phục vụ nhu cầu xã hội...
Hoạt động quốc tế hóa, kết nối trí tuệ toàn cầu được đẩy lên cao trào từ nửa cuối thập kỷ 1990 bởi Singapore nhận thấy GDĐH có thể là một ngành xuất khẩu chính. Singapore thực hiện một chương trình chiến lược đầy tham vọng biến Singapore trở thành “một Boston của phương Đông”, lấy Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts làm hình mẫu để phát triển Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nam Dương thành các đại học đẳng cấp quốc tế.
Singapore một mặt ra sức mời chào, lôi kéo các trường đại học nổi tiếng liên kết đào tạo với các trường trong nước, hoặc mở trường ở Singapore. Năm 1998, Singapore khởi động sáng kiến với mục tiêu thu hút ít nhất 10 trường đại học đẳng cấp quốc tế xây dựng cơ sở hoạt động ở Singapore trong vòng một thập kỷ.
Kết quả là một loạt các trường đại học uy tín hàng đầu thế giới đã thiết lập cơ sở giáo dục ở Singapore, như Trường Kinh doanh INSEAD, Đại học University of Chicago, Đại học University of Pennsylvania, Viện Công nghệ Massachusetts Institute of Technology,...
Trọng đãi người tài trong giáo dục
Singapore ý thức rất rõ ràng rằng để có giáo dục đại học đẳng cấp thế giới thì trước hết phải có các nhà lãnh đạo, quản trị đại học đẳng cấp thế giới. Singapore chiêu mộ nhân tài từ các trường đại học hàng đầu thế giới để đảm nhiệm, nhất quyết không “hạ chuẩn”, không “so bó đũa chọn cột cờ”.
Điển hình là Đại học Quản trị Singapore (SMU) đã chiêu mộ những tên tuổi tầm cỡ từ các đại học hàng đầu của Mỹ và Vương Quốc Anh làm Giám đốc và Phó giám đốc nhằm nhanh chóng vươn tầm đại học đẳng cấp thế giới.
Người được chiêu mộ ngoài việc quản trị trường theo chuẩn quốc tế, còn phải có trách nhiệm “truyền nghề” cho người kế cận với hai nhiệm vụ rõ ràng. Một là, chỉ định và đào tạo, bồi dưỡng người đủ năng lực để tiếp quản công việc này; và hai là, chuyển giao toàn bộ quy trình công nghệ quản trị cho người được lựa chọn kế nhiệm.
Các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên tài giỏi từ khắp nơi trên thế giới được mời chào đến Singapore nghiên cứu, giảng dạy, thực hiện các nghiên cứu mũi nhọn tầm cỡ thế giới.
Từ năm 2006 ĐHQG Singapore và ĐHCN Nam Dương được trao cơ chế tự chủ, vận hành theo doanh nghiệp phi lợi nhuận, không còn bị ràng buộc bởi các quy định và thủ tục cứng nhắc như khu vực dịch vụ công.
Với nguồn lực tài chính dồi dào, ĐHQG Singapore và ĐHCN Nam Dương đã chiêu mộ các nhân tài quốc tế đến làm việc bằng một loạt chính sách đãi ngộ hấp dẫn, cơ sở vật chất hiện đại,. Nhờ đó, ĐHQG Singapore và ĐHCN Nam Dương là điểm đến của các tài năng từ khắp nơi trên thế giới.
Singapore cũng tích cực thu hút tài năng quốc tế đến học tập tại Singapore với các chính sách như miễn giảm học phí, tín dụng học tập, học bổng bán phần.
Chiến lược xuất khẩu giáo dục
Mặt khác, Singapore “tiến ra toàn cầu” với các hoạt động quốc tế mạnh mẽ nhằm nhanh chóng đạt được sự công nhận toàn cầu, tạo lợi thế cho giáo dục đại học Singapore trong cuộc cạnh tranh thu hút sinh viên tài năng. Năm 2001, Singapore đã chính thức khởi động xuất khẩu GDĐH sang các nước khác với việc nhiều trường đại học Singapore đã được thành lập tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia...
ĐHQG Singapore và ĐHCN Nam Dương tăng tốc hoạt động quốc tế hóa, kết nối trí tuệ toàn cầu nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành đại học toàn cầu hàng đầu qua các chương trình liên kết đào tạo, hoạt động trao đổi sinh viên, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia...
Hàng năm, ĐHQG Singapore và ĐHCN Nam Dương có các chương trình trao đổi sinh viên với hàng trăm trường đại học trên thế giới. Cả ĐHQG Singapore và ĐHCN Nam Dương đều gửi 70% sinh viên đại học tham gia ít nhất một hoạt động trải nghiệm ở nước ngoài.
Điểm trường của ĐHQG Singapore ở Thung lũng Silicon là Đại học Standford. ĐHQG Singapore còn có các điểm trường ở nhiều trung tâm công nghệ cao khác ở các nước như Vương quốc Anh, Đức, Thụy Sĩ, Israel, Trung Quốc... Tại các điểm trường đó, sinh viên năm thứ 3 thực tập tại các công ty khởi nghiệp vào ban ngày và tham gia các khóa học về khởi nghiệp vào buổi tối. Sang năm thứ tư, sinh viên quay về ĐHQG Singapore, ở ký túc xá và cùng các sinh viên ở nhiều quốc gia khác nhau cùng nhau khởi nghiệp, thực hiện các ý tưởng kinh doanh.
Từ năm 2010, ĐHQG Singapore triển khai chương trình thực tập, trải nghiệm ở nước ngoài nhằm giúp cho sinh viên không chỉ học kiến thức sách vở mà còn học cách thích ứng với các nền văn hóa của các dân tộc khác, học cách ứng phó với sự thay đổi và khác biệt của cuộc sống ở những nơi khác nhau, làm quen với môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội đa dạng tại các khu vực. Đến nay chương trình đã mở rộng tới nhiều quốc gia như Myanmar, Costa Rica, Brazil, Thái Lan, Ả Rập Saudi, Indonesia…
Tóm lại, công thức Singapore dùng để giải nhanh bài toán giáo dục đại học đẳng cấp thế giới với 4 cấu phần chính có sự đan xen, hòa quyện với nhau, trong đó quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu là tiền đề; Đẩy mạnh quốc tế hóa, kết nối trí tuệ toàn cầu là phương tiện; Trọng đãi, rộng mở với người tài là then chốt; Xây dựng văn hóa đề cao chất lượng.
Tiền đề tiên quyết để Singapore có được sự thành công ngoạn mục trong giải nhanh bài toán giáo dục đại học đẳng cấp thế giới chỉ trong vòng một thế hệ là do có Chính phủ trong sạch, tài năng được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo chính trị tầm cỡ, bản lĩnh, có tầm nhìn xa trông rộng cùng đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, tinh nhuệ, hiểu sâu sắc vai trò, tầm quan trọng tối thượng của giáo dục.
Liên hệ với chúng tôi +65 6689 5598 hoặc đăng ký tư vấn tại đây