Giáo dục Singapore có trường chuyên, lớp chọn hay không?

Với dân số chưa đầy 6 triệu, Singapore có nền giáo dục đẳng cấp thế giới với nhiều thành tựu rực rỡ, thành tích học tập của học sinh luôn ở top đầu thế giới,

Họ không có trường chuyên riêng biệt, họ tổ chức một số lớp học học theo Chương trình giáo dục năng khiếu (GEP) trong các trường thông thường với mục đích nhằm nuôi dưỡng những học sinh năng khiếu phát huy tối đa tiềm năng, trau dồi năng lực tư duy ở cấp độ cao hơn và năng lực tự học, trách nhiệm xã hội và nhận thức công dân. Học sinh GEP có nhiều cơ hội để tương tác với bạn học của mình thông qua các hoạt động toàn trường, CCA và các chương trình Giá trị trong Hành động (VIA), nơi các em học tập, làm việc và vui chơi cùng nhau hàng ngày.
	
	
	
	

Ở cấp tiểu học từ lớp 4 đến lớp 6 được thí điểm tại Trường nữ sinh tiểu học Raffles và Trường Rosyth. Ở cấp trung học từ lớp 7 đến lớp 12 được thí điểm ở Học viện Raffles và Trường nữ sinh trung học Raffles. Đến nay, Singapore có 9 trường tiểu học và 7 trường trung học có Chương trình giáo dục năng khiếu.

Tuyển chọn học sinh xuất sắc

Việc tuyển chọn học sinh được thực hiện rất kỹ lưỡng, cạnh tranh khốc liệt, số học sinh được lựa chọn rất ít, tỷ lệ được chọn là 0,5 - 1%.

Ở cấp tiểu học, việc tuyển chọn bắt đầu vào năm 1983 với khoảng 40.000 học sinh lớp 3 tham gia một bài kiểm tra sàng lọc gồm 100 câu hỏi đánh giá khả năng tư duy số học, đọc hiểu và từ vựng.

Khoảng 2.000 học sinh tương ứng với 5% tốp đầu lọt vào danh sách tiếp tục tham gia kỳ thi tuyển chọn với ba bài kiểm tra đánh giá về khả năng ngôn ngữ, số học và năng lực với mức độ khó  hơn.

Cuối cùng, 100 học sinh xuất sắc nhất được chọn theo Chương trình giáo dục năng khiếu lớp 4 được thí điểm tại Trường nữ sinh tiểu học Raffles và Trường Rosyth.

Ở cấp trung học, những học sinh đạt ít nhất ba điểm A trong Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE), khoảng 4 - 5 %, được mời tham gia kỳ thi tuyển chọn để chọn ra 100 học sinh giỏi nhất theo học Chương trình giáo dục năng khiếu lớp 7 được thí điểm tại Học viện Raffles và Trường nữ sinh trung học Raffles.

Hiện nay, việc tuyển chọn được thực hiện cụ thể như sau. Hàng năm, ở cấp tiểu học, nhà trường thông báo cho học sinh lớp 3 về vòng kiểm tra sàng lọc được tổ chức vào tháng 8 (17-18/8/2023) với hai bài thi là Tiếng Anh và Toán . Thông thường, tất cả học sinh lớp 3 đều làm bài kiểm tra này chỉ trừ những học sinh chọn không tham gia.

Những học sinh vượt qua vòng sàng lọc sẽ được mời tham gia vòng tuyển chọn vào tháng 10 diễn ra trong hai ngày với 4 bài thi gồm: Tiếng Anh; Đánh giá năng lực (Tiếng Anh); Toán; Đánh giá năng lực (Toán).

Các bài thi đánh giá năng lực tương tự các bài kiểm tra IQ, học sinh phải xác định các mẫu và giải các câu đố không theo tiêu chuẩn.

Kết quả được thông báo vào tháng 11. Nếu đỗ, học sinh được mời tham gia Chương trình giáo dục năng khiếu và chuyển đến một trong 9 trường tiểu học có Chương trình giáo dục năng khiếu vào năm tiếp theo. 

Tìm những giáo viên ‘bậc thầy’

Người thầy vốn được coi trọng và đề cao ở Singapore, được xem là chìa khoá thành công, bởi vậy, với trường chuyên thì vị thế của người thầy càng được đề cao hơn.

Các trường có Chương trình giáo dục năng khiếu ở Singapore tuyển dụng những giáo viên giỏi, có chuyên môn về giáo dục năng khiếu và có kinh nghiệm làm việc với những học sinh năng khiếu. Những giáo viên này được đào tạo chuyên môn và phát triển chuyên môn trong các chiến lược giáo dục năng khiếu. Họ tìm kiếm các giáo viên với các tiêu chuẩn rất cao, không chỉ giỏi chuyên môn mà toàn diện. 

Giáo viên phải là “bậc thầy” về lĩnh vực chuyên môn, luôn cập nhật kiến thức, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, của thời đại, học tập suốt đời và liên tục đổi mới, cung cấp cho học sinh những kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp tương lai. Họ có đủ năng lực giảng giải những khái niệm phức tạp cho học sinh có trình độ khác nhau, truyền cảm hứng học tập, hướng dẫn vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống bên ngoài phòng học.

Họ hướng tới các phẩm chất then chốt như có khả năng liên tục sáng tạo kiến thức chứ không chỉ hấp thu kiến thức; có khả năng đề xuất phương pháp học tập hiệu quả chứ không chỉ truyền đạt những thứ đã học; có khả năng kiến tạo môi trường học tập cho học sinh chứ không chỉ thực thi yêu cầu từ người khác.

Các giáo viên có khả năng kiến tạo nên các thế hệ học sinh phát triển cá tính riêng chứ không chỉ là thành viên trong lớp; và có khả năng dẫn dắt sự đổi mới giáo dục chứ không chỉ chạy theo sự đổi mới.

Nguồn: MOE, vietnamnet

Liên hệ với chúng tôi +65 6689 5598 hoặc đăng ký tư vấn tại đây